Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La sẽ diễn ra ngày trong tháng 7 năm 2017

Thứ năm - 22/06/2017 04:52
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La, dự kiến sẽ diễn ra ngày trong tháng 7 năm 2017 tại huyện Mộc Châu . Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và Chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La sẽ diễn ra ngày trong  tháng 7 năm 2017

Tỉnh Sơn La, nằm trên trục đường Quốc lộ 6, cách Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Với vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Bắc và tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn là những tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các du khách trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông khô lạnh, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Do địa hình núi xen thung lũng và sự hình thành của nhiều hồ thủy điện trên địa bàn khiến cho khí hậu Sơn La chia thành nhiều tiểu vùng khí hậu, đặc trưng như: vùng khí hậu mát mẻ từ 18oC – 21oC rất phù hợp để phát triển du lịch (cao nguyên Mộc Châu, Tà Xùa - Bắc Yên, Co Mạ - Thuận Châu, Ngọc Chiến - Mường La...), ngoài ra còn có những tiểu vùng khí hậu nóng ẩm như Sông Mã, Mường La, Phù Yên... Với khí hậu mát mẻ, vào mùa xuân, trên cao nguyên Mộc Châu với những nương đồi hoa mơ, hoa mận, hoa đào, những cánh đồng hoa cải... tạo nên sức lôi cuốn khách du lịch về tụ hội.

Với địa hình nhiều núi đá vôi, tạo nên hệ thống những hang động kỳ thú như hang Dơi, Ngũ động bản Ôn (Mộc Châu), hang Nhả Nhung, Chi Đảy (Yên Châu), hang Thẳm Tát Tòng (TP Sơn La), hang Hua Bó (Mường La)... Hệ thống sông suối, hồ ở Sơn La hết sức phong phú, dồi dào, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đẹp như Thác Dải Yếm (Mộc Châu), Thác Tạt Nàng (Chiềng Yên, Vân Hồ)... đặc biệt là hệ thống sông Đà tạo nên một nền văn hóa sông nước truyền thống lâu đời. Sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La hình thành, đã tạo nên lòng hồ thủy điện với chiều dài 150km, diện tích khoảng 16.000ha là một tiềm năng lớn cho khai thác phát triển du lịch lòng hồ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có những hồ khác rất có tiềm năng phát triển du lịch như: Hồ rừng thông bản Áng (Đông Sang, Mộc Châu), hồ Chiềng Khoi (Yên Châu), hồ Tiền Phong (Mai Sơn)... Ngoài ra, Sơn La còn có nguồn tài nguyên suối nước nóng hết sức phong phú như: Suối nước nóng bản Mòng, Hua La, TP Sơn La ; suối nước nóng Mước Bú, Ngọc Chiến, Mường La.

Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Tây Bắc, có đường biên giới giáp với nhiều tỉnh thành trong nước và hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Phra-băng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, tỉnh Sơn La được đánh giá là một địa bàn chiến lược, có sức hấp dẫn về thu hút đầu tư.

*Tiềm năng lớn để phát triển

Thứ nhất, Sơn La có tiềm năng về khoáng sản với trên 150 điểm khoáng sản, trong đó có những loại khoáng sản quý như: ni-ken, đồng ở Bản Phúc - Mường Khoa (Bắc Yên), ma-nhê-dít ở Bản Phúng (Sông Mã), than Suối Bàng (Mộc Châu), than Quỳnh Nhai và những khoáng sản quý khác như vàng, thủy ngân... Đặc biệt, với đặc điểm địa hình đồi núi, Sơn La có nguồn đá vôi, đất sét, cao lanh trữ lượng lớn, chất lượng tốt, cho phép phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, cát chất lượng cao, đá xây dựng, gạch không nung...
Sơn La cũng được biết đến là tỉnh có sản lượng thu hoạch các loại cây trồng ngắn ngày vào loại cao của cả nước, nhất là ngô (sản lượng trung bình 670 nghìn tấn/năm) và sắn (sản lượng 360 nghìn tấn/năm), bên cạnh đó là các loại cây trồng có năng suất cao khác, như cà phê, chè, chuối, mận hậu... Hiện tỉnh Sơn La đang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy thu gom và chế biến sản phẩm nông sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có của địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Thứ hai, tiềm năng về du lịch - dịch vụ. Sơn La là trung tâm kết nối giữa Hà Nội - Hòa Bình với Điện Biên và Lai Châu trên trục Quốc lộ số 6, kết nối với tỉnh Thanh Hóa qua Quốc lộ 15, kết nối với Phú Thọ qua sông Đà theo Quốc lộ 43. Hai cửa khẩu Lóng Sập và Chiềng Khương của Sơn La kết nối với các tỉnh Bắc Lào, trong đó cửa khẩu Lóng Sập đang được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Vị trí địa lý khiến Sơn La trở thành điểm trung chuyển của các hành trình du lịch liên kết Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc và nước bạn Lào (Sầm Nưa, Luông Phra-bang, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, U Đôm Xay, Xay Nha Bu Ly).

Được ví là Sa Pa của vùng Tây Bắc, Sơn La hội tụ nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc, như hang Chi Đảy với hệ thống thạch nhũ độc đáo, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La và Di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á… Bên cạnh những di tích, danh thắng là không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao với các lễ hội truyền thống và những món ăn được chế biến theo phong cách riêng của người dân nơi đây…

Thứ ba, tiềm năng về nông nghiệp. Sơn La có 927.514,95 ha đất nông nghiệp, đó là điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Hầu hết đất đai màu mỡ, tầng canh tác dày, thuận lợi để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Sơn La có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, hai cao nguyên lớn (Mộc Châu và Nà Sản) với đất đai phì nhiêu là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại rau quả có nguồn gốc ôn đới.

Tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi như có nhiều đồng bãi chăn thả, tổng diện tích đồng cỏ gieo trồng lớn... Ngoài ra, với quy mô lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại theo vùng sinh thái, tỉnh Sơn La có nhiều giống gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao, như bò sữa, bò thịt, gà đen, nhím... đem lại tiềm năng, lợi thế để đầu tư có hiệu quả các dự án phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, Sơn La còn có tiềm năng về rừng, như diện tích đất để đầu tư các dự án trồng và bảo vệ rừng rất lớn và phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Sơn La với địa hình vùng núi cao, có nhiều tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển các loại thủy sản.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có 09 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 148 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các dự án FDI thực hiện với số vốn là 5,2 triệu USD, đạt 130% so với cùng kỳ năm 2014. Theo ước tính, số vốn các dự án FDI thực hiện trong năm 2015 là 10,72 triệu USD; lũy kế vốn đầu tư từ khi khởi công đến hết năm 2015 là 131,630 triệu USD.

Vốn FDI thực hiện tập trung vào các dự án có mức đầu tư lớn như dự án khai thác mỏ ni-ken Bản Phúc tại huyện Bắc Yên của Ô-xtrây-li-a và các dự án nhỏ trồng và chế biến chè, rau quả của nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1,7 triệu USD, dự kiến cả năm đạt 1,89 triệu USD, chủ yếu thuộc về dự án sản xuất tinh quặng ni-ken, dự án đổi mới phương tiện vận chuyển hành khách liên doanh với nhà đầu tư Hàn Quốc và một số dự án lĩnh vực nông nghiệp (chè, dâu tây…).

Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Sơn La hoạt động, sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lương và chế độ lao động cho người lao động theo đúng quy định, không để tình trạng đình công xảy ra. Các doanh nghiệp FDI tích cực thực hiện dự án theo đúng cam kết trong Giấy chứng nhận đầu tư và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tuyển dụng lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án.

Các dự án FDI đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích, cải thiện kết cấu hạ tầng đô thị, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước xoá đói, giảm nghèo cho người dân.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc thu hút FDI vào tỉnh Sơn La còn nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng dự án FDI ở Sơn La còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một là, kết cấu hạ tầng còn yếu kém; công tác quy hoạch đất, giải phóng mặt bằng chậm; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư chưa đủ hấp dẫn, các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được tổ chức thường xuyên… Hai là, Sơn La còn là một tỉnh nghèo, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phụ thuộc vào nguồn cân đối từ Trung ương. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp hỗ trợ nhà đầu tư chưa nhịp nhàng, còn nặng về các thủ tục hành chính.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Sơn La đang tích cực, chủ động lựa chọn và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức xúc tiến đầu tư, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải phóng mặt bằng…tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn.

Sơn La cũng đang đẩy mạnh việc hình thành các khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện đường giao thông, hệ thống điện nước để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành, như Khu công nghiệp Mai Sơn, Cụm công nghiệp Mộc Châu, Phù Yên… Bên cạnh đó, Sơn La tập trung xây dựng vùng tam giác kinh tế (Mường La, Mai Sơn và thành phố Sơn La) để trở thành trung tâm phát triển kinh tế, hành chính, đô thị của tỉnh, thúc đẩy các địa phương khác trong tỉnh cùng phát triển; xây dựng các khu đô thị mới, như Chiềng Ngần, Chiềng An, Chiềng Sinh, Chiềng Cơi - Hua La…

Đặc biệt, Sơn La đưa ra danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020. Theo đó, sẽ có 18 dự án nằm trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - khu du lịch và đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.

Ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỉnh Sơn La đã ban hành một loạt cơ chế, giải pháp nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng cây cao su, chăn nuôi đại gia súc để khai thác, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của các dự án FDI đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết, quy hoạch sản xuất; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định chồng chéo, không phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, ưu đãi đầu tư... nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Sơn La.

Với tiềm năng và thế mạnh vị trí chiến lược của vùng Tây Bắc, cùng những chính sách ưu đãi, hy vọng trong thời gian tới, Sơn La sẽ thu hút hiệu quả nguồn FDI, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

 

 Tags: mộc châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Nhà hàng ngon Mộc Châu - Đông Hải
Homestay moc chau

Video Clips

Văn bản mới

CM

Sách Cẩm nang Khu du lịch quốc gia Mộc Châu

Thời gian đăng: 28/04/2021

lượt xem: 1847 | lượt tải:834

2954/QĐ-UBND

Phê duyệt Nhiệm vụ và dự toán lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dịch vụ cửa ngõ thuộc Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu

Thời gian đăng: 17/01/2021

lượt xem: 2502 | lượt tải:0

QH01

NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG TỶ LỆ 1/500 Dự án đầu tư xây dựng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu

Thời gian đăng: 06/10/2020

lượt xem: 2700 | lượt tải:0

45/2019/NĐ-CP

Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Thời gian đăng: 29/06/2020

lượt xem: 3208 | lượt tải:0

128/QD-Ttg

Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030

Thời gian đăng: 15/08/2019

lượt xem: 5167 | lượt tải:0

Liên kết website

Khu du lịch sinh thái Mộc Sương
Khách sạn Mộc Sương
Mộc Châu Retreat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây