Độc đáo món cơm cốm của người Thái Mộc Châu
Cũng giống như người Thái ở Tây Bắc, người Thái Mộc Châu thường làm món Khảu Hang (cơm cốm) trong lễ mừng cơm mới của gia đình mình. Nếu đi du lịch Mộc Châu vào mùa gặt, hãy hỏi để được thưởng thức Khảu Hang như tôi.
Tôi đến bản Áng 2, xã Đông Sang khi những cánh đồng đang vàng rực lúa chín, mùi lúa thơm thoang thoảng dẫn lối vào nhà sàn trong bản. Tình cờ tại nhà sàn Mộc Châu Mộc, tôi thấy dưới chân cầu thang, thấy mấy người phụ nữ đang tỉ mẩn cắt lúa, tò mò tìm hiểu, được biết đây chính là nguyên liệu cho món cơm cốm đang được các bà chuẩn bị để làm cơm mới.

Theo kinh nghiệm của người Thái lúa được chọn làm cơm cốm thường là lúa nếp bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa cũng không bị mất đi và đặc biệt hơn nữa những hạt lúa nếp lại rất tròn và mẩy. Lúa nếp cũng chọn loại vừa tới, không non quá như lúa làm cốm và cũng chưa chín hẳn để gặt đại trà. Lúa làm cơm cốm được chọn tỉ mẩn chứ không cắt ào ào, việc này thấy giao chủ yếu cho phụ nữ, với sự cẩn thận và tài khéo, chị em sẽ chọn cắt bông lúa to, mẩy, sai hạt mang về. Lúa cắt xong sẽ được đem luộc ngay để vẫn giữ được mùi thơm và vị ngọt của món cơm cốm, tùy vào nhu cầu của từng gia đình mà lượng lúa nếp làm cốm nhiều hay ít.

Lúa sẽ được luộc đến khi thấy nứt hạt là đủ thời gian , số lúa đó sẽ được phơi một nắng rồi mới đem đi xát. Bà Lò Thị Biên, người dân bản Áng 2, xã Đông Sang cho biết: chỉ phơi một nắng thôi thì cơm cốm mới dẻo mà không bị cứng. Trước khi nấu cơm cốm, gạo cốm sẽ được ngâm nước tầm 30p cho nở đều rồi mới cho vào chõ xôi cơm. Cũng giống người Kinh, người Thái khi xếp gạo vào chõ cũng cẩn thận không để gạo bị nèn chặt mà chỉ nhẹ nhàng bốc gạo rải đều lên để hơi nước có thể len lỏi đều khắp chõ xôi làm xôi có đủ hơi và chín đều
Bà Biên khoe nhà đang chuẩn bị làm cơm mới và dẫn tôi về nhà xem chuẩn bị. Gian bếp trên nhà sàn khói bay nhè nhẹ, hình như bếp lửa trên nhà người Thái không tắt lửa bao giờ, vào nhà đã thấy ấm cúng. Bà Biên tỉ mẩn xếp gạo vào chõ, vừa làm vừa kể, ngày xưa người làm chõ phải kỳ công chọn cây vông già, có đủ độ to lớn. Gỗ vông nhẹ, dẻo, xôi trên bếp nóng lâu ngày không bị nứt vỡ. Nhiều nhà còn làm chõ xôi rau riêng, chõ xôi cơm riêng…
XEM THÊM: Thu vàng Châu Mộc - khám phá du lịch Mộc Châu mùa lúa chín
Gạo cốm cho vào chõ xong cũng vừa lúc nước trong ninh đã sôi, bà Biên từ tốn xếp chõ lên trên chiếc ninh đồng đang nghi ngút hơi. Chõ đặt nằm trọn vẹn trong miệng ninh loe ra. Thấy tôi có ý định xin trông bếp, bà Biên lắc đầu cười, đồ cơm xôi này phải cẩn thận canh lửa để xôi được thơm dẻo, phải là người có kinh nghiệm mới biết canh lửa cho chuẩn để cơm cốm ngon.
Chõ xôi nghi ngút khói sương chừng ít phút, bà Biên bắc xuống, bỏ xôi tãi ra mâm và quạt cho nguội bớt hơi nước. Hương gạo mới hay hương cốm cũng không rõ, vì không biết phải gọi thế nào cho đúng bởi thấy có mùi thơm ngậy ngậy, ngào ngạt của cả gạo mới và cốm. Chắc bởi vậy, bà con mới gọi là món cơm cốm. Đưa miếng xôi lên thấy mềm, dẻo nhưng không dính tay, khi ăn cảm nhận được vị ngọt, vị ngậy, bùi của hạt gạo.
Xôi được đựng vào lá dong, ếp khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm cho dẻo. Có miếng cơm mới, thơm ngon đem nấu để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà đã phù hộ cho mùa màng thuận lợi. Có bát cơm mới, khách quý đến, bỏ ra thiết đãi thể hiện tấm chân tình quý mến, yêu thương
>>> XEM THÊM: KHU DU LỊCH QUỐC GIA MỘC CHÂU MỘNG MƠ ĐÓN THU VỀ
Bài, ảnh: Thanh Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn